Ngày 31/3/2022, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên giải trình về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Chủ trì phiên giải trình gồm có: Đồng chí Phương Thị Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Hoàng Thu Trang, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; đồng chí Nông Quang Nhất, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh. Cơ quan giải trình gồm: Lãnh đạo UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng; Khoa học và Công nghệ; Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố.

Tại phiên giải trình có 15 lượt đại biểu HĐND tỉnh đặt câu hỏi yêu cầu giải trình, nội dung giải trình tập trung vào các nhóm vấn đề sau:
Những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trong thời gian qua, như: Công tác tuyên truyền, vận động; công tác phối hợp; công tác chỉ đạo, định hướng lựa chọn dự án liên kết; công tác quản lý, sử dụng tài sản của các đối tượng hỗ trợ được hình thành từ ngân sách nhà nước; những khó khăn của chủ trì liên kết và các bên tham gia liên kết, cơ chế ràng buộc thực hiện liên kết; trình tự, thủ tục thanh quyết toán kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ; giải pháp để thực hiện hiệu quả chính sách trong giai đoạn tới.
Đối với các câu hỏi liên quan đến lĩnh vực của Sở Tài chính, đồng chí Hoàng Thị Hằng – Giám đốc Sở Tài chính đã tiếp thu, giải trình làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp khắc phục. Nội dung giải trình đúng vấn đề mà đại biểu và cử tri quan tâm, cụ thể: Việc quản lý, sử dụng cơ sở hạ tầng, nhà xưởng, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp của doanh nghiệp, HTX mà ngân sách nhà nước hỗ trợ theo quy định của Luật HTX năm 2012; khả năng cân đối nguồn vốn từ ngân sách tỉnh để thực hiện chính sách hỗ trợ PTSX nông nghiệp trong giai đoạn 2021-2025; những khó khăn, vướng mắc trong việc thanh, quyết toán nguồn vốn NSNN ở cơ sở;… Đặc biệt, đồng chí Hoàng Thị Hằng đã đưa ra các giải pháp cụ thể, thiết thực để thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn tới.

Kết thúc phiên giải trình, Đồng chí Phương Thị Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh quan tâm thực hiện một số nội dung sau:
Thứ nhất, về công tác chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện:
– Tiếp tục chỉ đạo thực hiện các chính sách của Trung ương về hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp; kịp thời phát hiện vướng mắc, bất cập để kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
– Kiện toàn tổ chức Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG các cấp để thống nhất trong công tác chỉ đạo, bảo đảm đồng bộ, thống nhất và xuyên suốt từ cấp tỉnh đến huyện, xã.
– Phân công một cơ quan làm đầu mối theo dõi, tham mưu việc tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng, tránh trùng lắp để kinh phí nhà nước được quản lý và sử dụng hiệu quả.
– Sớm ban hành hướng dẫn về quản lý sử dụng tài sản có nguồn gốc từ NSNN hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, nhà xưởng, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp của doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh.
– Nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX từ khâu thẩm định, định hướng, hướng dẫn cho doanh nghiệp, HTX hoạt động. Định kỳ đánh giá hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể.
Thứ hai, về xây dựng chính sách mới:
– Việc xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh phải bám sát mục tiêu, nhiệm vụ tại Nghị quyết số 09-NQ/TU và Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 22/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Bắc Kạn; đảm bảo không trùng lắp với các chính sách hỗ trợ của trung ương; phù hợp với điều kiện thực tiễn, phát huy, khai thác được tiềm năng, lợi thế của địa phương và khả năng cân đối ngân sách của tỉnh. Trong đó chú trọng một số vấn đề sau:
– Đề xuất các chính sách hỗ trợ phải gắn với sản xuất hàng hóa, lấy kinh tế tập thể, HTX làm trung tâm theo hướng liên kết sản xuất; ưu tiên hỗ trợ đối với cây trồng, vật nuôi có thế mạnh của tỉnh, các sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn đã được xếp hạng.
– Tập trung hỗ trợ một số doanh nghiệp, HTX có khả năng tăng quy mô sản xuất; doanh nghiệp, HTX áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất; doanh nghiệp, HTX thực hiện liên kết, để từng bước hình thành HTX, Liên hiệp HTX làm đầu tàu trong sản xuất hàng hóa nông nghiệp, giảm bớt sự manh mún, cạnh tranh giữa các cơ sở, hộ sản xuất nhỏ.
– Đề xuất các chính sách hỗ trợ cần cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện; tập trung thực hiện hỗ trợ sau đầu tư để các đối tượng được hưởng lợi chủ động thực hiện phương án sản xuất và dễ tiếp cận chính sách, cơ quan quản lý dễ theo dõi, kiểm tra, giám sát.
– Hướng dẫn thủ tục thanh quyết toán thống nhất trên địa bàn tỉnh, tránh phức tạp, khó thực hiện./.
BTV
Quỳnh Hoa